Theo ông Hậu chủ trương là thiết thực nhưng không nhất thiết phải là 3 tầng hầm mà cần phải có quy định từng loại dự án, từng khu vực: “Đối với quy định này cần có sự cân đối cho từng loại dự án, loại công trình. Chẳng hạn như ở các quận nội thành quy định tối thiểu phải 3 tầng hầm nhưng với khu vực ngoại thành có quỹ đất rộng có nhất thiết phải tối thiểu 3 tầng hay không”, ông Hậu nêu ý kiến.
Cơ quan chuyên môn Hà Nội thông báo về việc trong thiết kế và xây tại các công trình, khu đô thị, trung tâm thương mại phải bố trí tối thiểu 3 tầng hầm để xe.
“Cầm đèn chạy trước…”
Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc (QH-KT), ông Lê Vinh ký thông báo gửi các phòng ban chuyên môn của sở này với yêu cầu hướng dẫn, thông báo các chủ đầu tư về việc phải có tối thiểu 3 tầng hầm để xe và xây dựng nhà vệ sinh công cộng tại các công trình, khu đô thị, trung tâm thương mại (dự án nhà cao tầng-PV).
Mặc dù chủ trương đúng, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, thông báo của Sở QH-KT Hà Nội là vội vàng.
Cụ thể, trong quá trình thẩm định các đồ án, dự án phải thực hiện nghiêm túc các nội dung như: Đối với các đồ án, dự án mới nộp vào Sở để thẩm định, chấp thuận quy hoạch chi tiết, tổng mặt bằng, phương án kiến trúc, khi kiểm tra hồ sơ nếu không đủ 3 tầng hầm với chức năng để xe, cần yêu cầu các chủ đầu tư bố trí tối thiểu 3 tầng hầm làm chỗ để xe cho công trình và khu vực xung quanh; bố trí nhà vệ sinh công cộng (có thể tại tầng 1 công trình) có lối tiếp cận bên ngoài để phục vụ dự án và khách vãng lai trong khu vực…
Đối với các đồ án, dự án đã xong về thủ tục nhưng chưa đầu tư xây dựng, nay có nhu cầu điều chỉnh về quy hoạch, kiến trúc hoặc trả lời văn bản liên thông cho các sở, ngành liên quan (cấp chứng nhận đầu tư, xin phép xây dựng…) các phòng được giao thẩm định yêu cầu chủ đầu tư bổ sung tầng hầm đỗ xe (nếu chưa đủ từ 3 tầng hầm trở lên) và nhà vệ sinh công cộng theo yêu cầu nêu trên. Trường hợp chỉ điều chỉnh về kiến trúc mà giữ nguyên các chỉ tiêu quy hoạch được phê duyệt thì yêu cầu chỉnh sửa bản vẽ, phương án kiến trúc đủ 3 tầng hầm để xe và xác nhận điều chỉnh phương án kiến trúc đã bổ sung tầng hầm và nhà vệ sinh công cộng…
Như vậy, với thông báo trên kể từ nay các dự án nhà cao tầng trên địa bàn Hà Nội bắt buộc phải có tối thiểu là 3 tầng hầm với mục đích tăng cường chỗ để xe cho người dân, hạn chế áp lực về chỗ để xe cho thành phố.
Thiếu thực tế và trái luật?
Ông Trần Chủng - nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình (Bộ Xây dựng) cho rằng, quy định bắt buộc phải có tầng hầm đối với dự án nhà cao tầng là cần thiết. Nhưng, nếu có quy định, thì Sở QH-KT Hà Nội phải quy định cụ thể loại và cấp công trình buộc phải tuân thủ theo hướng dẫn, quy chuẩn của Bộ Xây dựng về quy định phân cấp công trình xây dựng và hướng dẫn áp dụng trong quản lý hoạt động đầu tư xây dựng, chứ không thể đánh đồng, quy chụp tất cả các công trình phải thực hiện giống nhau được.
Ông Chủng phân tích, theo quy chuẩn hướng dẫn chỉ tiêu kiến trúc áp dụng cho công trình nhà ở cao tầng, trong đó có chỉ tiêu chỗ đỗ xe (ô tô, xe máy, xe đạp) áp dụng cho công trình nhà chung cư như: Đối với nhà ở thương mại, cứ 100m2 diện tích sử dụng của căn hộ, phải bố trí tối thiểu 20m2 chỗ để xe (kể cả đường nội bộ trong nhà xe); đối với nhà ở xã hội cứ 100m2 diện tích sử dụng của căn hộ, phải bố trí tối thiểu 12m2 chỗ để xe (kể cả đường nội bộ trong nhà xe).
“Quy chuẩn về diện tích bố trí chỗ để xe cho nhà cao tầng đã có từ lâu, vấn đề ở đây là quản lý như thế nào vì dù có quy định nhưng nhiều chủ đầu tư không xây dựng hầm hay xây bớt tầng hầm đi để giảm chi phí đầu tư. Đơn giản xây nhiều tầng hầm chi phí vừa cao vừa mất thời gian thi công hơn việc xây các tầng sàn để bán”, vị này nói.
Đại diện một số doanh nghiệp cho rằng, nếu theo quy định này chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chi phí đầu tư xây dựng dự án, làm tăng chi phí giá thành sản phẩm và đương nhiên không phải chủ đầu tư nào, dự án cao tầng nào cũng có thể đáp ứng được 3 tầng hầm.
“Tôi nghĩ rằng, cơ quan chức năng thành phố sẽ phải cụ thể hóa chủ trương trên để áp dụng cho từng loại dự án khác nhau. Chẳng hạn, với các doanh nghiệp đang thực hiện dự án nhà ở phân khúc bình dân, nhà xã hội nếu dự án tối thiểu phải có 3 tầng hầm sẽ khiến giá nhà tăng lên khi chi phí xây dựng tăng”, lãnh đạo Công ty CP Đầu tư phát triển nhà Hà Nội số 5 nói.
Ông Vũ Văn Hậu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Geleximco cho rằng, cá nhân ông đồng tình với chủ trương của Hà Nội nhằm góp phần giải quyết sự thiếu hụt về giao thông tĩnh trên địa bàn thành phố, mà trước hết cho chính các dự án cao tầng hiện nay.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng vừa có văn bản hỏa tốc gửi các sở ngành xung quanh quy định trong thiết kế và xây dựng tối thiểu có 3 tầng hầm. Văn bản nêu rõ, để triển khai chỉ đạo của Thành ủy, từng bước cải thiện nâng cao điều kiện hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu ngày một cao của Thủ đô về chất lượng sống đô thị, giao thông vận tải, thành phố giao Sở QH-KT chủ trì với các sở ngành nghiên cứu đề xuất các biện pháp, chính sách để cụ thể hóa nội dung chỉ đạo của Thành ủy như: thẩm quyền, hình thức ban hành chính sách, phân loại theo quy mô đầu tư (nhà thương mại, nhà xã hội, công trình công cộng…, theo không gian áp dụng-nội thành, ngoại thành…)./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét